Văn hóa Houdai

Buffet (việc trả một số tiền nhất định và có thể ăn thoải mái trong một phạm vi giới hạn: không gian, thời gian ăn hay số lượng món ăn…) hẳn là cụm từ không quá xa lạ với nhiều người. Song ở Nhật, hình thức này, được gọi là Houdai (放題 Phóng Đề), tuy không thừa nhận một cách chính thức, nhưng đã trở thành một nét văn hoá khá độc đáo của Nhật. Vì sao nói như vậy, là bởi không chỉ dừng lại ở việc ăn uống mà nó thẩm thấu vào rất nhiều khía cạnh của đời sống: đi tàu, gọi điện thoại, chơi trò chơi, mua hàng,… Dĩ nhiên, không ít người cho nó là điều rất đỗi bình thường nhưng đứng từ góc độ của một người VN mới qua Nhật hay chưa có nhiều kiến thức về nước Nhật thì điều này có thể xem là khá thú vị.

Hình ảnh: Một góc quán thịt nướng houdai (焼き肉食べ放題)

Hình ảnh: Một poster quảng cáo houdai (食べ放題)

1. Vì sao chọn Houdai?

Đơn giản là vì ấn tượng đầu tiên là “RẺ”. Nói thế cũng không ngoa, vì với những ai ngày đầu mới chập chững bước sang Nhật, dù có mạnh về tài chính hay không, nhưng khi nhìn vào giá cả với một bộ não luôn quy cái giá ấy về VND thì hàng hoá ở đất nước này quả là đắt đỏ. Và khi ấy cứ tưởng tượng trong một bữa tiệc có trên trăm món ăn, mỗi món đều đắt đỏ thì việc bỏ ra một khoản tiền chỉ tương đương vài món ăn, nhưng lại có thể ăn tất các món sẽ là một lựa chọn lý tưởng. “Ấn tượng RẺ”. Đó là yếu tố lớn nhất mà văn hoá Houdai mang lại. Hội người Việt Nam ở Osaka vẫn luôn thích thú với những bữa thị nướng Houdai ở quán 298, Umeda với giá mỗi người chỉ vào 1080 Yen cho 90 phút ăn thoải mái. Hay những tấm vé đi tàu điện ngầm Houdai trong phạm vi nội ô Osaka, Nagoya với giá chỉ 600~800 Yen/ ngày… và còn rất nhiều ví dụ khác. Những hình thức này đạt được lợi ích xã hội cách cao nhất khi người tiêu dùng vừa thích thú khi sử dụng, nhà cung ứng vẫn được lợi nhuận như thường.

2. Mặt trái của Houdai

Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó và Houdai cũng vậy. Không nên để ấn tượng rẻ đánh lừa cảm giác trong một số trường hợp. Nhất là trong vui chơi và ăn uống. Bữa thịt nướng có thể rất no và vui nếu bạn đi ăn cũng nhiều người, vừa ăn vừa nói chuyện nhưng sẽ khá là tẻ nhạt và lãng phí nếu bạn đi một mình vì khó có thể nào xử lý hết được phần ăn tương xứng với số tiền bạn bỏ ra. Điều này cũng thể hiện trong dịch vụ internet di động Houdai ở nhật. Thông thường bạn sẽ phải ký hợp đồng 2 năm để xài điện thoại và Internet với dung lượng 5G đi kèm mỗi tháng. Song thực tế bạn thường không sử dụng hết (tới một nửa!) nhưng vẫn phải trả một khoản cố định hơn 5000 yên cho phần sử dụng đấy. Dĩ nhiên, việc trả phí theo cách này, một cách phổ thông, vẫn tỏ ra có lợi hơn là cách “ăn bao nhiêu, xài bao nhiêu trả bấy nhiêu”.

Tóm lại, Houdai có thể nói đã thẩm thấu sâu vào xã hội Nhật, một nét văn hoá thầm lặng, không được đề cập nhiều, mà có lẽ chỉ khi đến Nhật, bạn mới cảm nhận rõ điều này. Hẹn gặp lại các bạn vào kỳ khác, để cùng tìm hiểu chi tiết hơn về các loại Houdai ở Nhật Bản.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *